Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội (5/6/1889 - 5/6/2019)
Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền |
Người đăng:
SuperUser Account |
Ngày đăng: 16/07/2019 |
Số lần xem: 1107
I. TÓM TẮT TIỂU SỬ - QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CỤ NGUYỄN VĂN TỐ
Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe) sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Thịnh một nhà nho yêu nước, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Kim, quê gốc ở Hà Đông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm mới lên 4 - 5 tuổi, tự học chữ nho tại nhà, Nguyễn Văn Tố đã đạt ở trình độ Tam tự kinh - bậc khởi đầu của Nho học; rồi sau đó, lần lượt đạt qua các bậc “Nhất trường”, “Nhị trường” và “Tam trường”.
Lớn lên giữa lúc đất nước đang trải qua nhiều chuyển biến sâu sắc dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta trên khắp cả nước như: phong trào Duy Tân (1906-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo; vụ “Hà Thành đầu độc” (1908)... đã ảnh hưởng đến tình cảm và ý chí của Nguyễn Văn Tố.
Năm 16 tuổi (1905), Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi (1906), Nguyễn Văn Tố được chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc EFEO cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Từ tháng 3 năm 1907, Nguyễn Văn Tố tham gia giảng sách tại Hội Trí Tri bằng tiếng Pháp, tiếng Việt về các đề tài lịch sử, địa lý, văn học, y khoa, khoa học thủy nông. Vào những năm 1910, Nguyễn Văn Tố đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều sáng tạo kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây; tham gia giảng dạy tại Hội Trí Tri và được cử là Trưởng ban biên tập Tập san Trí Tri.
Ngày 16/3/1930, Nguyễn Văn Tố được Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Mỹ thuật Pháp bổ nhiệm là Viên chức Hàn lâm của EFEO.
Năm 1933-1936, Nguyễn Văn Tố được Giám đốc EFEO bổ nhiệm trợ lý hạng 3 và được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri. Năm 1938, Nguyễn Văn Tố được cử là Hội trưởng Hội truyền bá học chữ Quốc ngữ Bắc Kỳ. Năm 1940, Nguyễn Văn Tố được Triều đình nhà Nguyễn sắc phong là “Trung nghĩa đại phu Quang Lộc Tự Khanh” tương ứng với Tòng Tam phẩm và đến năm 1941, Ông tham gia sáng lập Tạp chí Tri Tân.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời trong bối cảnh cấp thiết chống đói, chống dốt cho nhân dân.
Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử đại biểu Quốc hội, là đại biểu của tỉnh Nam Định. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Từ tháng 11/1946, cụ Nguyễn Văn Tố được cử là Bộ trưởng không bộ.
Ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ cách mạng rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
Ngày 25/10/1947, trong đợt tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, Cụ bị chúng bắt tại Bắc Kạn khi chưa kịp di chuyển về nơi an toàn. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Cụ vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và anh dũng hy sinh.
Ghi nhận và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đối với đất nước, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể truy tặng cụ Nguyễn Văn Tố Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất và cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
II. CÔNG LAO VÀ CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA CỤ NGUYỄN VĂN TỐ ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC
1. Nguyễn Văn Tố - Nhà trí thức yêu nước, có nhiều công lao, đóng góp to lớn trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của Việt Nam; đi đầu trong sự nghiệp truyền bá chữ quốc ngữ
Nguyễn Văn Tố có một vốn kiến thức phong phú về Hán Nôm, về lịch sử, văn hóa Việt Nam và phương Đông. Ở Nguyễn Văn Tố có sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp, kết hợp hai nền văn minh Đông và Tây trên nền tảng bền vững của truyền thống văn hóa dân tộc, cốt cách tâm hồn Việt Nam, và biểu hiện sâu sắc nhất là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Cụ Nguyễn Văn Tố để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, như sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, văn hóa dân gian, kiến trúc nổi bật. Các tác phẩm: Sự tích Ôn Như hầu, Hoa tiên, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ xuân đời Hồng Ðức, Thơ Hồng Ðức bổ chính, Thơ vịnh sử đời Hồng Ðức, Hạnh thục ca... được Nguyễn Văn Tố nghiên cứu và viết lại bằng tiếng Pháp, tiếng Hán, tiếng Việt đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân. Thống kê từ năm 1941-1945, trên tạp chí Tri Tân, Nguyễn Văn Tố đã có tới 114 mục bài mang tính chuyên sâu trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Cụ Nguyễn Văn Tố là người Việt Nam duy nhất được phép sửa văn Pháp cho mọi bài viết đăng trên Tập san Viễn Đông Bác cổ (BEFEO), kể cả bài viết của Giám đốc người Pháp George Coedès.
Từ năm 1934 cho đến năm 1946, trên cương vị là Hội trưởng Hội Trí Tri, cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp mang ý nghĩa tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng đất nước ở những giai đoạn sau.
Năm 1938, cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ Bắc Kỳ. Trong suốt 7 năm (từ 1938-1945), Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã mở 17 chi nhánh ở Bắc Kỳ với 820 lớp học, có 2.903 giáo viên đã dạy cho 41.118 người biết đọc, biết viết và ở khu vực Trung Kỳ thành lập 11 chi nhánh; đồng thời thu hút nhiều nhà trí thức tên tuổi tham gia như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, … Hoạt động dưới danh nghĩa là Hội hoạt động văn hóa giáo dục, nhưng thực chất Hội truyền bá chữ quốc ngữ là một tổ chức có sự tham gia của nhiều nhà chính trị và đã có những đóng góp to lớn đối với việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho quần chúng nhân dân. Nhiều hội viên Hội truyền bá chữ quốc ngữ trở thành những chiến sĩ cách mạng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ trở thành nòng cốt của cuộc vận động diệt “giặc dốt” và “phong trào bình dân học vụ” là chủ trương của chính quyền cách mạng. Phong trào này đã lan rộng khắp nơi, trở thành hoạt động quần chúng sâu rộng và tiến bộ của trí thức yêu nước. Cụ Nguyễn Văn Tố có công lao, đóng góp quan trọng trong thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí.
Năm 1941, cụ Nguyễn Văn Tố tham gia sáng lập Tạp chí Tri Tân với mục đích “ôn cố nhi tân, khả dịch vi sư hĩ” là “để xem xét việc đời xưa mà hiểu biết việc đời nay thì có thể làm thầy thiên hạ”. Cụ Nguyễn Văn Tố đã soạn thảo hai bộ sử học đồ sộ “Đại Nam dật sử” và “Sử ta so với sử Tàu” để làm sâu sắc thêm lịch sử nước nhà và góp phần tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
2. Nguyễn Văn Tố - Bộ Trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, người có công lớn trong việc diệt "giặc đói", diệt "giặc dốt” và huy động vật lực chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước độc lập, người dân tự do, làm chủ vận mệnh của mình, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập; cụ Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp và đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó diệt “giặc đói” và “giặc dốt” là nhiệm vụ quan trọng ngang hàng với diệt “giặc ngoại xâm”.
Trên cương vị là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, tuy thời gian không dài (25/8/1945 - 2/3/1946), nhưng vào thời điểm khó khăn nhất của lịch sử dân tộc, khi chính quyền cách mạng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói, nạn dốt, hai trong ba loại giặc nguy cấp của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội cứu đói. Hội này được tổ chức xuống tận các làng ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan rộng ra khắp cả nước. Hoạt động của Hội nhằm tìm nguồn lương thực, tiền và vải do các nhà hảo tâm giúp đỡ, phát triển sản xuất, khuyến khích công việc đồng áng, trông nom đê điều, giúp người dân khai hoang đất để gia tăng sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã trực tiếp đến các địa phương chỉ đạo thành lập Hội cứu đói; kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện “Hũ gạo cứu đói”, “những ngày đồng tâm nhịn ăn”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố phát động nhiều cuộc vận động quyên góp ủng hộ người lao động nghèo và tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề “nạn đói” cuối năm 1944 đầu năm 1945 do thực dân Pháp, phát xít Nhật gây ra. Nhờ đó, đã tạo được phong trào thi đua cứu đói rầm rộ trên cả nước từ các làng, xã cho đến các xí nghiệp sản xuất; làm cho các nhà tư sản, địa chủ bỏ tiền của, thóc gạo cứu đói, thậm chí cả một số đơn vị quân đội quốc dân Đảng Trung Quốc ở Nam Định tham gia. Trong khoảng thời gian 2 tháng (tháng 9 đến tháng 11 năm 1945), Bộ Cứu tế xã hội đã quyên góp ở 3 miền với số tiền 160.000.000 đồng và tải gạo từ Nam ra Bắc giao cho Hội cứu đói, có đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói đang có nguy cơ tái diễn.
Để giải quyết tận gốc nạn đói, Chính phủ đã lập Ủy ban Trung ương phụ trách sản xuất. Ngày 15/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc dân kinh tế ký Nghị định số 41-BKT đưa ra các biện pháp khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói và phối hợp Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở gia tăng tập thể, dùng nguồn đất công cộng gia tăng sản xuất, chỗ nào có đất trống đều trồng trọt rau màu… Do vậy, kết quả sản lượng màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc, trong 6 tháng (tháng 11/1945 - tháng 5/1946) đã đạt 614.000 tấn quy ra thóc là 506.000 tấn và nạn đói đã bị đánh lùi. Đúng kỷ niệm một năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/1946), đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là kỳ công của chế độ dân chủ”.
Không chỉ có đóng góp to lớn đối với việc giải quyết nạn đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cùng với thành viên Chính phủ từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt “giặc dốt”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để nâng cao dân trí cho hàng triệu đồng bào như: phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và đưa về các địa phương gây dựng cơ sở. Trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức được 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh mang tên “khóa học Hồ Chí Minh”, “Phan Thanh” và “Đoàn kết”. Sau khi tham gia huấn luyện, học viên tản về các địa phương trong cả nước tích cực tuyên truyền vận động và trực tiếp dạy chữ cho hàng triệu đồng bào. Nhờ đó, tỷ lệ người không biết chữ giảm xuống, dân trí được nâng lên, có hàng triệu đồng bào tham gia học tập và học tập trở thành nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Phong trào toàn dân tham gia bình dân học vụ sôi nổi trên khắp cả nước và làm thay đổi cả bộ mặt xã hội vui tươi, khỏe mạnh, tự tin trong bầu không khí độc lập.
Cùng với việc diệt “giặc dốt”, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố đã đi đầu trong cuộc vận động xây dựng “đời sống mới” và tiến hành tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần yêu lao động, căm ghét bọn áp bức bóc lột và xây dựng đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, gần gũi với người lao động, cụ Nguyễn Văn Tố đã nhạy bén, chủ động, khôn khéo đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lý, sát cánh cùng Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi hiểm nghèo.
3. Nguyễn Văn Tố - Vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đại biểu của nhân dân lao động, có nhiều quyết sách quan trọng trong những ngày đầu mới giành độc lập
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là đòi hỏi cấp bách, quan trọng hàng đầu để củng cố, tăng cường chính quyền với nhân dân. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành, cả nước bầu được 333 đại biểu. Cụ Nguyễn Văn Tố được cử tri Nam Định bầu và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I.
Ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, các đại biểu đã nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay). Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực nhanh chóng bắt tay vào củng cố nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến toàn quốc.
Ngày 6/3/1946, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ chủ trì. Hội đồng đã bàn bạc và nhất trí ký Hiệp định sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thỏa thuận. Biên bản cuộc họp đặc biệt sáng ngày 6/3/1946, có chữ ký của Trưởng ban Thường trực Quốc hội cùng các thành viên Chính phủ và Ủy ban kháng chiến, tán thành ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Việc ký hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh đặc thù lúc đó. Đây là Hiệp ước tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ nền độc lập dân tộc trong giai đoạn đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên trong thời gian chỉ hơn 8 tháng (2/3/1946 - 9/11/1946), cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn với dân tộc và cách mạng Việt Nam, góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Nguyễn Văn Tố luôn góp sức cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước, đã lên tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi trái tín nghĩa của thực dân Pháp trước dư luận thế giới và kêu gọi quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó. Nguyễn Văn Tố đã chỉ đạo Quốc hội phải luôn chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và nhân dân. Bởi vậy, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Ban Thường trực Quốc hội đã xem xét 98 dự án Sắc lệnh của Chính phủ, tập trung vào các vấn đề như: pháp chính, kinh tế, tài chính, xã hội. Ngoài ra, Ban Thường trực Quốc hội còn nhận nhiều kiến nghị cải tạo đời sống ở nông thôn và biểu quyết tán thành danh sách Chính phủ mới; thảo luận và thông qua dự án Luật Lao động. Đặc biệt ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, chế độ bảo đảm quyền dân chủ, tự do của mọi công dân, không phân biệt nam nữ, quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số....
Ngày 3/11/1946, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập gồm 12 bộ. Cụ Nguyễn Văn Tố được cử là Bộ trưởng không bộ.
Sau gần một năm tạm hòa hoãn, chính quyền cách mạng đã được củng cố và phát triển lực lượng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Lúc này, thực dân Pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và gây hấn ở nhiều nơi (đặc biệt là Thủ đô Hà Nội). Trước tình hình đó, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và thành lập Ủy ban Trung ương tản cư và di cư. Ngày 22/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 8-SL thành lập Ủy ban tản cư và di cư, gồm có cụ Bùi Bằng Đoàn làm Chủ tịch, cụ Nguyễn Văn Tố làm Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cùng với 8 ủy viên khác đại diện cho các Bộ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã tích cực động viên nhân dân các vùng nhanh chóng chuẩn bị tản cư đến vùng an toàn và nhân dân các vùng có chiến sự triệt để thi hành chính sách “vườn không nhà trống”, tản cư ra vùng tự do. Hàng triệu đồng bào hưởng ứng theo tiếng gọi của Ủy ban tản cư và di cư, rời bỏ nhà cửa, tài sản, chịu gian khổ để thực hiện quyết tâm không đội trời chung với giặc và khẩu hiệu tản cư cũng là kháng chiến.
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của nhân dân ta. Trong cuộc tiến công vào thị xã Bắc Kạn, thực dân Pháp đã bắt được Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố. Chúng tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, thậm chí tra tấn dã man, tàn độc để buộc Cụ kêu gọi các chiến sĩ cách mạng ra hàng; nhưng chúng đã bị thất bại trước tấm lòng kiên trung của Cụ.
***
Cụ Nguyễn Văn Tố đã đi vào lịch sử dân tộc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí. Tên tuổi của cụ Nguyễn Văn Tố gắn liền với sự nghiệp Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, Hội Trí Tri. Cụ là một điển hình về tự học, là tấm gương mở đường cho đội ngũ nhân sĩ, trí thức đem tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ở cụ Nguyễn Văn Tố bộc lộ rõ phẩm chất của một nhà lãnh đạo cần mẫn, mẫu mực. Trên cương vị công tác nào Cụ cũng mang hết tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, hết lòng vì nước, vì dân. Cụ Nguyễn Văn Tố là một nhân cách lớn, là người hiền tài có đủ nhân - trí - dũng - liêm.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố - người cộng sự, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến to lớn của Cụ đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển đất nước.
Noi gương cụ Nguyễn Văn Tố, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.