Hưởng ứng tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2023 có chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”
Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền |
Người đăng:
Lưu Quốc Cường |
Ngày đăng: 20/05/2023 |
Số lần xem: 576
Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2023 có chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Các hoạt động hưởng ứng tuần lễ sẽ tập trung trong tháng 5-2023.
Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai năm nay nhằm mục tiêu tăng cường truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác, ứng phó Phòng chống thiên tai. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai.
Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 173/QĐ-TTg về Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai. Theo đó, hàng năm lấy tuần từ ngày 15 đến 22-5 làm tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai, qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác Phòng chống thiên tai. Từ đó chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Chú trọng làm tốt phương châm ”4 tại chỗ”
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tháng 2 và tháng 3/2023, ENSO còn duy trì trong trạng thái La Nina với xác suất trong khoảng 50%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất khoảng 65 – 70%. Không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh. Trong đó, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ rét đậm, rét hại còn xảy ra, tập trung trong tháng 2/2023. Cần đề phòng khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết ở khu vực núi cao Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, từ nay đến tháng 4/2023, bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông nhưng nhiễu động nhiệt đới còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông. Từ tháng 5 – 7/2023 bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023
Nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ từ khoảng tháng 3/2023; sau đó gia tăng về cường độ và lan sang khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào tháng 4 – 5/2023. Tháng 6 – 7/2023, nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng đưa người dân và địa phương bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, sản xuất,…
Trong đó, tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão. Đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện việc tuần tra canh gác đê theo quy định, xử lý kịp thời các sự cố đê điều. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm về đê điều.
Đặc biệt, phát huy hiệu quả Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; làm tốt công tác huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về đê điều và phòng chống thiên tai, cứu trợ khẩn cấp. Tổ chức Tuần lễ quốc gia về phòng chống thiên tai; ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xuan-uoc-vong-2023/dang-dan-toc-va-mua-xuan/phong-chong-thien-tai-nam-2023-trien-khai-hieu-qua-phuong-cham-4-tai-cho-630103.html