Bệnh sởi: Những điều cần biết
Chuyên mục: Thông tin tuyên truyền |
Người đăng:
Hà Thanh Tú |
Ngày đăng: 11/06/2024 |
Số lần xem: 400
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân.
1. Bệnh sởi (Morbilli) là gì?
Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây nên. Đặc điểm để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, nổi các vết phát ban dát đỏ lan theo thứ tự từ mặt đến tay chân và cả cơ thể.
Sởi là một bệnh lưu hành rộng, vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.
Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đã xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.
Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh sởi trước đó.
2. Triệu chứng của bệnh sởi
Bệnh có các triệu chứng khởi đầu : Sốt, viêm màng kết mạc mắt, viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 – 7 ngày. Đôi khi bệnh kết thúc trong quá trình tróc vảy; giảm bạch cầu là triệu chứng phổ biến của bệnh.
Bệnh có diễn biến nặng hơn ở trẻ nhỏ và người lớn. Biến chứng của bệnh có thể do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn bao gồm: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh khí phế quản (croup) và viêm não. Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi do viêm não.
Sởi là bệnh lưu hành địa phương, trong cộng đồng dân cư đô thị và khoảng 2-3 năm bệnh có thể gây ra thành dịch. Số mắc bệnh chủ yếu ở trẻ em chưa được gây miễn dịch.
3. Cách lây truyền bệnh sởi
Bệnh lây truyền bởi không khí bị nhiễm các hạt nước miếng có chứa virus, thường lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Và đôi khi, có thể lây bởi những đồ vật mới bị nhiễm bẩn, các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới trên 94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.
4. Thời gian ủ bệnh sởi trong vòng bao lâu?
Thời gian ủ bệnh sởi trong khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể giao động từ 7 đến 18 ngày kể từ khi tiếp xúc đến khi bắt đầu sốt, thường là 14 ngày cho đến khi phát ban, rất hiếm có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn hoặc ngắn hơn.
Bệnh sẽ lây truyền khi bắt đầu thời kỳ tiền triệu cho đến sau phát ban 4 ngày, ít nhất là sau phát ban 2 ngày. Virus vaccine đã chứng minh là không lây truyền được.
5. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ đề cảm nhiễm. Miễn dịch được tạo thành sau khi phát bệnh bền vững.
Trẻ sinh ra từ người mẹ từng bị mắc bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong khoảng 6 đến 9 tháng tuổi, hoặc lâu hơn tùy thuộc và số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai, và tỉ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ. Nếu gây miễn dịch cho trẻ lúc 9 tháng tuổi, thì sẽ đạt được tỉ lệ miễn dịch từ 95-98%, việc gây miễn dịch lại bằng một liều bổ sung có thể giúp tăng mức độ miễn dịch lên tới 99%.
Trẻ sinh ra từ người mẹ đã được gây miễn dịch bằng vắc-xin thì có kháng thể thụ động ít hơn. Những trẻ này vẫn có thể cảm nhiễm với bệnh sởi và cần được gây miễn dịch sớm hơn.
6. Phòng ngừa bệnh sởi
Tiêm vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của bộ y tếCách ly người mắc bệnh sởi, tránh tập trung đông người khi có dịch.Bệnh nhân và những người tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế.Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thường xuyên.Nâng cao thể trạng, dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.
Tóm lại, tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả nhất. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Trong đó, có vắc-xin MMR II & Diluent Inj0,5ml của công ty MMD tại Mỹ. Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng. Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.